Trong những năm qua, phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đã lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh. Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương hội viên phụ nữ điển hình làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc.
Với tâm niệm “Còn sức khỏe là còn lao động”, bà Nguyễn Kim Luông, sinh năm 1962 hội viên Chi hội Phụ nữ ấp Chánh, xã An Thạnh, huyện Bến Cầu luôn phấn đấu lao động, vượt qua khó khăn để phát triển kinh tế gia đình với mô hình nuôi dế. Bà Nguyễn Kim Luông cho biết, gia đình vốn làm nghề trồng lúa, nhưng sau khi chồng bà mất đến nay đã hơn 10 năm, thì gia đình không còn trồng lúa nữa, vì công việc đồng án nặng nhọc, đòi hỏi sức khỏe, không phù hợp với tuổi của bà.
Bà Nguyễn Kim Luông chuẩn bị vật dụng cho trại dế của mình
Khi được người quen giới thiệu nuôi dế làm kinh tế, bà Luông thấy công việc này khá nhàn nhã phù hợp mới mình nên bà bắt đầu nuôi thử với 4 chuồng dế, kích thước mỗi chuồng nuôi ngang 2m - dài 3m. Sau khoảng gần hai tháng nuôi, bà xuất bán lứa dế đầu tiên cho hiệu quả kinh tế khá, bà Luông bắt đầu tăng số lượng chuồng nuôi lên 6 chuồng, rồi lên 8 chuồng và đến nay trại dế bà Luông đã có 15 chuồng nuôi dế thương phẩm.
Hội LHPN xã An Thạnh đến thăm trại dế của bà Luông
Lúc đầu nuôi chưa có kinh nghiệm, bà Luông phải nhập con giống về nuôi, nhưng hiện tại bà nắm bắt được kỹ thuật nuôi cho dế sinh sản và ấp trứng dế thành công, nên bà luôn chủ động nguồn dế giống, giảm chi phí mua con giống. Bà Nguyễn Kim Luông phấn khởi chia sẻ: “Tôi nuôi dế cũng 6, 7 năm rồi cũng nhờ nuôi dế mà gia đình tôi có nguồn thu nhập ổn định. Trung bình mỗi chuồng thu hoạch khoảng 50kg dế, có khi 60 -70 kg, dế thì đầu ra ổn định, tới kỳ xuất bán, có thương lái đến nhà mua với giá 50 ngàn/kg, lời nhuận nuôi dế từ 10-17 triệu đồng/tháng. Công việc này tôi thấy ổn định nên tôi sẽ tiếp tục nuôi.”
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lành – Chủ tịch Hội LHPN xã An Thạnh, huyện Bến Cầu cho biết, bà Nguyễn Kim Luông là gương hội viên phụ nữ phát triển kinh tế của địa phương nhiều năm qua. Tuy đã lớn tuổi và là phụ nữ đơn thân nhưng bà không ngại khó khăn để làm kinh tế với mô hình nghề nuôi dế và đã thành công. Nắm được hoàn cảnh của bà thời gian qua, Hội Phụ nữ xã đã tạo điều kiện giúp đỡ bà tiếp cận nguồn vốn giải quyết việc làm từ Ngân hàng Chính sách Xã hội của huyện với số tiền 20 triệu đồng, từ nguồn vốn này đã giúp cho bà Luông có điều kiện phát triển mô hình kinh tế gia đình. Bà Luông cũng nhiệt tình chia sẻ những kinh nghiệm trong chăn nuôi dế giúp cho các chị em hội viên thực hiện mô hình hiệu quả phát triển kinh tế gia đình. Hiện tại, khu vực ấp Chánh, xã An Thạnh có hơn cả chục hộ nuôi dế mang lại hiệu quả kinh tế khá.
Hội LHPN xã An Thạnh