Khi đến tổ dân cư tự quản số 3 thuộc Ấp Cầu Xe, xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh hỏi gia đình chị Nguyễn Thị Xuân sinh năm 1986 ai cũng biết. Chị Xuân là một phụ nữ khuyết tật bẩm sinh, hiện chị sống cùng gia đình gồm ba và mẹ, ba mẹ chị Xuân nay hơn 70 tuổi, mẹ chị mỗi sáng bán bánh mì ở chợ, ba chị hay đau yếu không giúp được gì. Bản thân chị lao động chính trong gia đình, mẹ chị già cũng hay đau yếu, nên không bán bánh mì thường xuyên, mọi chi phí trong gia đình dựa vào tiền công may đồ của chị để trang trải.
Chị Xuân trên phương tiện di chuyển hàng ngày.
Chị Nguyễn Thị Xuân bị tật xương sống, người gập cong, dáng người nhỏ bé, nhưng chị không đầu hàng số phận, tuy chị bị tật xương sống nhưng bù lại chị được đôi tay khéo léo, và trí thông minh. Nhờ vậy năm 20 tuổi chị xin cha mẹ cho đi học nghề may quần áo, chị học khoảng 18 tháng thì lành nghề, nhưng chị không có máy may, gia đình khó khăn, chị xin thầy dạy may của chị cho chị ở lại may gia công, nhận thấy hoàn cảnh của chị Xuân nên chủ tiệm bằng lòng, chị làm thuê cho thầy dạy may của mình được 02 năm. Chị tích góp tiền công của mình đủ mua 01 máy may công nghiệp củ và 01 máy vắt sổ đã qua sử dụng. Từ đó chị mở tiệm may tại nhà, nhưng khách hàng không có nhiều, có khi không có đồ may, khách hàng thấy chị khuyết tật nên sợ chị may không đẹp, ngại đặt hàng.
Nhận thấy hoàn cảnh của chị Xuân có nghề mà không có đồ may. Chị Phạm Thị Bận Chi hội trưởng Hội phụ nữ ấp Cầu Xe đã vận động chị tham gia sinh hoạt Chi hội, lúc đầu chị rất mặc cảm không tham gia, nhưng với sự vận động nhiệt tình của Chi hội trưởng, chị đã tham gia sinh hoạt, từ khi tham gia sinh hoạt, chị giao lưu với chị em trong Chi hội và chia sẻ hoàn cảnh, chị em phụ nữ trong Chi hội biết chị biết may, nên đã cùng nhau đặt chị may đồ cho gia đình, nhận thấy chị may đẹp, vừa ý nên chị em giới thiệu cho nhau để cùng đặt may. Nhờ thường xuyên tham gia sinh hoạt Chi hội, giao lưu với các Chi hội khác, khách hàng ngày càng nhiều, chị có nguồn thu nhập ổn định, bình quân mỗi ngày chị may hoàn chỉnh 02 bộ đồ Tây thu nhập khoảng 540.000 đồng, trừ đi chi phí phụ liệu, chị còn 440.000 đồng, đồ bộ ngày chị may được 05 bộ, thu nhập khoảng 500.000 đồng, trừ đi chi phí phụ liệu chị còn lại tiền công 450.000 đồng. Với khoảng thu nhập trên mỗi tháng chị Xuân thu được khoảng 12.000.000 đồng, đủ trang trải chi phí cho cả 03 người. Chị rất biết ơn chị em trong Chi hội, sắp đến ngày quốc tế phụ nữ chị Xuân may áo dài cho chị em trong Chi hội với mức trợ giá 50% giá tiền công. Mỗi bộ chị Xuân lấy 200.000 đồng.
Chị Xuân may đồ bộ cho khách thân yêu của mình
Mặc dù khuyết tật nhưng chị Xuân cố gắng lao động vươn lên, không dựa vào người khác, chị rất mạnh mẽ vượt qua số phận vươn lên lo cho bản thâm và chăm lo cho cha mẹ già, chị còn là chỗ dựa và người trụ cột của gia đình. Chị Nguyễn Thị Xuân chia sẻ “ trước đây bản thân rất mặc cảm tự ti, gia đình khó khăn, với sự động viên của chị chi hội trưởng Phụ nữ ấp Cầu Xe, tôi tham gia sinh hoạt chi hội và nhận thấy có nhiều hoạt động hay, ý nghĩa, bên cạnh đó có người còn khó khăn hơn mình, cũng nhờ sinh hoạt mà tôi được giao lưu và tìm khách hàng cho mình, để có số lượng khách hàng như hôm nay là do chị em phụ nữ tin tưởng ủng hộ và nhờ đôi tay khéo léo của bản thân, ý thức bản thân tật nguyền chứ không phế, có thể tự lao động kiếm sống, xã hội luôn quan tâm che chở, không bỏ ai lại phía sao,…Tôi rất biết ơn hội Phụ nữ đã khuyến khích tôi gia nhập tổ chức để sống tích cự hơn”.
Chị Nguyễn Thị Thanh Trúc chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Hưng Thuận cho biết: “Hoàn cảnh của chị Xuân rất đặc biệt, bản thân là người khuyết tật từ nhỏ nhưng nhờ nghị lực và ý chí vươn lên, chị vượt qua mặt cảm, tự tìm cho mình một nghề may để có thu nhập, ổn định cuộc sống. Tinh thần phấn đấu rất cao của chị là điển hình tiêu biểu về tinh thần vượt khó, hăng say trong lao động ở địa phương”.
HỘI LHPN XÃ HƯNG THUẬN