Phụ nữ Thạnh Tây làm chủ kinh tế

Thứ năm - 07/09/2023 15:48 354 0
Những năm qua, nhận vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Tân Biên, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh đã làm tốt việc đưa vốn đến đúng đối tượng cần vốn chăn nuôi tại địa phương. Nhờ đồng vốn ưu đãi, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã vươn lên thoát nghèo bền vững, xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả.
Phát triển kinh tế gia đình từ nuôi dê bằng vốn ưu đãi.
Được sự giúp đỡ của NHCSXH huyện, gia đình chị Nguyễn Thị Hồng Thủy sinh năm 1980 – ngụ ấp Thạnh Nam, xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên là một trong những hộ vay điển hình sử dụng hiệu quả nguồn vốn của NHCSXH. Ban đầu chị được hỗ trợ vay 100 triệu đồng. Với số tiền đó, gia đình chị làm chuồng trại và mua 50 con dê, trong đó có 20 con dê mẹ về gây giống.
Chị Nguyễn Thị Hồng Thủy bên trang trại dê của mình
Giai đoạn đầu chăn nuôi dê, gia đình chị gặp nhiều khó khăn do chưa hiểu hết tập tính của loài dê cũng như chưa có kinh nghiệm, có lứa dê sinh sản thành công cũng có lứa bị thất bại. Những lúc như thế, gia đình không bỏ cuộc mà chịu khó mày mò, tìm hiểu nguyên nhân, ghi chép cẩn thận từng biểu hiện bệnh, cách phòng, trị bệnh, đúc kết kinh nghiệm trong thực tế nuôi và lựa chọn con giống khỏe. Dần dần, nhờ chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật, cùng sự chăm sóc chu đáo, đàn dê của gia đình đã cho hiệu quả kinh tế, không ngừng sinh sản, phát triển. Gia đình chị Thủy nay đã là hộ khá của ấp và có trong chuồng lúc nào cũng từ 200 con dê cả nái và thịt cho thu nhập gần 150 triệu đồng/năm. Chị bán dê con giống cho các hộ bắt đầu nuôi dê trên địa bàn xã. Với số tiền thu được, một phần chị sửa chữa nhà cửa, số còn lại chị tiếp tục mở rộng chuồng trại và trồng thêm cỏ để phục vụ chăn nuôi dê.
Cầu nối vững chắc cho hội viên phụ nữ nghèo tại địa phương
Chúng tôi có dịp trao đổi với chị Vũ Thị Khương – Chủ tịch Hội LHPN xã Thạnh Tây, chị cho biết để thực hiện mô hình nuôi dê đạt hiệu quả, ngoài kiến thức trong các lớp tập huấn về chăn nuôi dê, rất cần áp dụng biện phát kỹ thuật từ khâu làm chuồng trại đến việc theo dõi, quản lý đàn dê. Thời gian qua, nguồn vốn của NHCSXH là kênh cấp tín dụng quan trọng và hiệu quả, giúp hội viên phụ nữ trong xã xóa đói giảm nghèo, xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả. Đối với một số chương trình tín dụng như cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo… đa số bà con đầu tư chăn nuôi, trồng trọt.
Thời gian qua, công tác quản lý vốn ủy thác được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Hội đã tích cực tuyên truyền cho hội viên, phụ nữ nắm bắt các thủ tục, quy trình vay vốn, đồng thời tư vấn, hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn có hiệu quả; bên cạnh đó, vận động hội viên thực hành tiết kiệm, để có thể trả được vốn vay khi đến hạn. Hội đã phối hợp với chính quyền và các đoàn thể địa phương xử lý nợ đến hạn kịp thời, do đó không có tình trạng nợ quá hạn phát sinh sau các phiên giao dịch của xã; Trong thời gian tới, Hội LHPN xã Thạnh Tây sẽ tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với NHCSXH huyện ủy thác cho hội viên phụ nữ vay vốn. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, giám sát, đảm bảo 100% nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả. Tiếp tục bám sát chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội, thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ, gương người tốt việc tốt, các mô hình làm ăn kinh tế sử dụng vốn tín dụng chính sách mang lại hiệu quả cao; tuyên truyền, vận động, giúp hộ vay có ý thức trả nợ, trả lãi, không trông chờ, ỷ lại, chính sách của Nhà nước. Tăng cường chỉ đạo các cơ sở hội thực hiện tốt các nội dung ủy thác, tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn, góp phần tăng trưởng dư nợ vốn vay do Hội LHPN huyện quản lý.
Vũ Thị Khương

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây