Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn đánh giá cao vai trò, vị trí và những đóng góp to lớn của phụ nữ Việt Nam trong lịch sử của dân tộc.
Năm 1966, trong lễ kỷ niệm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam, Người nói: “
Nhân dân ta rất biết ơn các bà mẹ cả hai miền Nam Bắc đã sinh đẻ và nuôi dạy những thế hệ anh hùng của nước ta. Trong thời kỳ hoạt động bí mật và trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và bè lũ can thiệp Mỹ, phụ nữ ta đều có công lao to lớn”. Người khẳng định: Giải phóng phụ nữ vừa là nhiệm vụ vừa là yêu cầu của cách mạng Việt Nam. Ngay từ khi thành lập Đảng năm 1930, trong chương trình vắn tắt của Đảng, Người đã ghi rõ:
“Về phương diện xã hội, thực hiện nam nữ bình quyền”.
Cách mạng Tháng Tám thành công, trong Hiến pháp đầu tiên của nước ta, tại điều 24 đã ghi: “
Phụ nữ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà có quyền bình đẳng với nam giới về các mặt sinh hoạt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình”. Và Bác nói: “
Phụ nữ là một nửa của xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ có một nửa”.
Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trong buổi lễ Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, lúc chào cờ và hát bài Tiến quân ca, Ban tổ chức định chọn một chiến sĩ vệ quốc đoàn kéo lá cờ đỏ sao vàng lên cột cờ cao. Song Bác Hồ đã chỉ thị, chọn hai phụ nữ làm công việc đầy ý nghĩa vẻ vang đó. Ban tổ chức đã chọn một sinh viên Thủ đô Hà Nội là chị Lê Thi và chị Loan một nữ du kích ở Cao Bằng làm công việc đó. Sau này, chị Lê Thi là Viện trưởng Viện Triết học, còn chị Loan là một chiến sĩ quân đội, vợ đồng chí đại tướng Hoàng Văn Thái. Chị Lê Thi kể lại: Ngày 2 tháng 9 hôm đó, tôi và chị Loan cùng tiến đến chân cột cờ lớn tại Quảng trường Ba Đình. Cả hai chúng tôi đều xúc động vì vinh dự lớn được thay mặt cả nước kéo lá quốc kỳ nền đỏ sao vàng lên cột cờ cao trong giờ phút lịch sử vẻ vang và thiêng liêng này. Chúng tôi phân công nhau, chị Loan nâng lá cờ lên cao, còn tôi sẽ kéo lá cờ lớn lên đỉnh cột. Trong tiếng quốc ca hùng tráng, chúng tôi cùng ngước lên bầu trời, nhìn lá cờ đỏ sao vàng to lớn đang phấp phới bay trên bầu trời Hà Nội, mà rưng rưng nước mắt!
Các nhà báo nước ngoài hôm ấy có mặt tại Ba Đình, đã rất chú ý đến hai người phụ nữ Việt Nam, đã được vinh dự làm công việc kéo cờ đó - Một biểu tượng về quyền bình đẳng và chứng tỏ một nhận thức to lớn về vai trò, vị trí của người phụ nữ Việt Nam trong chế độ mới và trong cả lịch sử dân tộc.
[caption id="attachment_441" align="aligncenter" width="337"]
Bác Hồ với đại biểu dự Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ III, tháng 3/1961[/caption]
Đồng chí Vũ Kỳ, Thư ký của Bác kể lại:
Tôi thường hay được đi với Bác, đến đâu tôi cũng thấy Bác quan tâm đến vị trí và quyền bình đẳng của chị em phụ nữ. Một lần tới một hội nghị, nhìn suốt dọc hội trường, rồi Bác hỏi:
- Này các chú, phụ nữ đâu mà không thấy chị em ngồi ở hàng đầu.
Rồi Bác hỏi to:
- Các cô gái có đây không? Tiếng đáp: Có ạ!
- Vậy mời lên đây ngồi! Ngay việc ngồi cũng không bình đẳng!
Thấy Bác nói thế, nhiều đại biểu nam giới đã tự động chuyển xuống những hàng ghế sau, nhường chỗ cho các đại biểu nữ. Bác Hồ nói thêm: “
Phụ nữ muốn được bình đẳng, không phải bảo Đảng và Chính phủ hay nam giới mời lên ngồi mới ngồi, mà phải tự đấu tranh phấn đấu giành lấy”.
Thường khi đi tới đâu hoặc làm việc gì, Bác Hồ cũng luôn luôn nhắc đến vị trí của người phụ nữ trong xã hội. Không phải chỉ quan tâm, mà Bác còn nêu cao vai trò to lớn và sức mạnh của phụ nữ trong công cuộc cách mạng.
Người đã tặng phụ nữ Việt Nam 8 chữ vàng: “
Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Năm 1952, trong thư gửi phụ nữ Việt Nam, Bác Hồ đã viết:
“Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp rực rỡ”.
Tháng 10-1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tự tay viết bức trướng:
“Phụ nữ Việt Nam/ Dũng cảm đảm đang/ Chống Mỹ cứu nước” tặng cho Hội LHPN Việt Nam.
Cũng trong năm ấy, kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Hội, Người đã nói: Hội LHPN Việt Nam mới 20 tuổi. Nhưng truyền thống anh hùng của phụ nữ Việt Nam ta đã có gần hai nghìn năm và ngày càng phát triển. Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, đánh giặc cứu dân cho đến ngày nay, mỗi khi nước nhà gặp nguy nan thì phụ nữ ta đều hăng hái đứng lên, góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Do đó ta có câu tục ngữ rất hùng hồn “
Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”. Sau khi nêu lên những tấm gương như mẹ Suốt, cô Nguyễn Thị Định, chị Út Tịch, Tạ Thị Kiều, Trần Thị Vân và nhiều chị em khác, Bác nói “
Từ xưa đến nay, từ Nam đến Bắc, từ trẻ đến già, phụ nữ Việt Nam ta thật là anh hùng”.
Chị Hoàng Thị Ái kể: Thời kỳ cơ quan Hội LHPN ở chiến khu Việt Bắc, một hôm Bác Hồ đến thăm. Bác đem đến ba cái áo len rất đẹp. Chúng tôi thưa với Bác không dám nhận, xin để Bác dùng. Bác bảo:
- Bác có biếu các cô đâu mà các cô từ chối. Đây là Bác đem đến cho các cô để các cô biết cách trọng người già. Một cái các cô đem biếu bác Tôn Đức Thắng, một cái các cô biếu mẹ liệt sĩ Bùi Thị Cúc, còn một cái để dành đấy, khi cần thì có tặng phẩm mà dùng.
Đây là những chiếc áo phụ nữ các nơi gửi lên biếu Bác, thế mà Bác lại chuyển cho chúng tôi, cùng với một bài học thật là sâu sắc. Bác Hồ luôn luôn quan tâm đến việc giáo dục phụ nữ.
Chị Lê Thị Định, nguyên Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thái Bình kể lại: Một lần về thăm tỉnh Thái Bình, trong buổi nói chuyện, Bác hỏi:
- Nghe nói ở Thái Bình có một số người còn đánh vợ, có không?
- Thưa Bác có ạ, nhưng còn ít thôi ạ.
- Không ít đâu, các chú phải có gan mà nhận, chú nào đánh vợ thì dũng cảm giơ tay lên.
Cả hội trường nhìn nhau im lặng, có đồng chí nói rụt rè:
- Chúng cháu không dám đánh, chỉ kỳ kèo thôi ạ.
- Kỳ kèo rồi tiến tới bạt tai… Đánh vợ là tệ rất xấu. Chi bộ Đảng phải giáo dục đảng viên và nhân dân về quyền bình đẳng giữa vợ và chồng, phải bảo ban nhau cách cư xử hoà thuận trong gia đình.
Chị Định nói, nghe Bác nói về phụ nữ tôi thấy nghẹn ngào. Chăm lo đời sống chung cho nhân dân, Bác còn quan tâm rất nhiều đến phụ nữ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi là người Bác vô cùng kính yêu của phụ nữ Việt Nam, của dân tộc Việt Nam./.
Bùi Công Bính