Khoảng 11 giờ thì đến Vật Lại, bà con xã viên, các cụ phụ lão, các cháu thiếu nhi chờ đón từ đầu đường rẽ lên đồi. Bác vui vẻ cùng mọi người quây quần dưới tán bạch đàn. Bác thân mật nghe cán bộ địa phương báo cáo và hỏi chuyện mọi người. Bác nói với chị Nguyệt, con cụ Chu Công Tự, chiến sĩ trồng cây của xã Vật Lại: “Các cụ thì biết chuyện cũ, chuyện mới, nhưng các cháu ngày nay chỉ biết chế độ dân chủ cộng hòa. Đất nước bây giờ là của ta, cho nên cần phải thi đua sản xuất giỏi, trồng cây giỏi”.
Chị Đỗ Thị Soạn, trưởng thành từ phong trào Cô gái Đại Phong, nay là Bí thư Đảng ủy xã Tòng Bạt, báo cáo với Bác phong trào nhân dân trong xã. Nghe xong, Bác dặn: “Phải dân chủ với dân. Phải để cho dân phê bình cán bộ, đảng viên”. Bác hỏi đồng chí Hán, Chủ nhiệm Hợp tác xã Hợp Thịnh: “Hợp tác xã có hay liên hoan chè chén không? Đồng chí Hán báo cáo.
- Thưa Bác! Hợp tác xã chúng cháu dạo này không ăn uống lãng phí nữa. Có người cho chúng cháu là keo kiệt.
Bác cười rất hiền và động viên:
- Cháu làm thế là đúng, là biết giữ gìn của cải cho xã viên.
Tôi ngồi nhìn Bác, chăm chú nghe cuộc đối thoại giữa vị Chủ tịch nước với người dân bình thường và phát hiện ra một điều là Bác Hồ đi trồng cây nhưng đang nói chuyện “trồng người”. Cuộc đối thoại này, những lời dạy đầu năm này của Bác, ngày mai sẽ bay đi khắp đất nước, bổ sung vào đợt giáo dục đào đức cách mạng do chính Bác phát động.
Bác cùng các cụ trồng cây. Khung cảnh chung quanh thật đẹp. Nắng xuân ấm áp. Lúa đang lên xanh. Một cụ già tóc bạc, da dẻ hồng hào, giữa đàn con cháu… Tôi nhớ đến câu:
Vì lợi ích mười năm, trồng cây
Vì lợi ích trăm năm, trồng người.
Mùa xuân cuối cùng của cuộc đời, Bác Hồ vẫn chăm lo việc trồng cây, trồng người.
Trích trong “Những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”