Những cô giáo thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ

Thứ ba - 04/04/2017 17:20 3.284 0
Thực hiện cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thành phố Tây Ninh có nhiều gương phụ nữ học tập và làm theo tốt những tấm gương đạo đức và lời dạy của Bác, cô giáo Thị Sa Ly Has, khu phố 2, phường 1 và cô Trần Thị Nhung ở khu phố 2, phường 3 là 2 tấm gương điển hình trong ngành giáo dục. Những người dân tộc Chăm ở phường 1 và phụ huynh học sinh trường Tiểu học Vừ A Dính không ai không biết đến cô giáo Thị Sa Ly Has, sinh năm 1978, với thâm niên gần 10 năm tận tụy với nghề, chị luôn được học sinh, phụ huynh, đồng nghiệp và bà con xóm Chăm hết sức yêu mến. Gặp gỡ chị trong một tiết dạy, các em học trò ngoan ngoãn, vâng lời, quấn quít lấy cô giáo. Đối với chị để có ngày đứng trên bục giảng là chặng đường dài và đầy quyết tâm, trong đó phải kể đến vai trò quan trọng của cha mẹ chị. Chị kể: “Lúc nhỏ mình thấy trong xóm nhiều gia đình nghèo khó, bạn bè học lớp 2, lớp 3, lớp 4 nghỉ học, đầu tiên mình cũng thích nghỉ học nhưng ba mình nói không được, học để sau này có nghề nghiệp ổn định mới thoát nghèo. Nếu học lớp 2, lớp 3 nghỉ thì sau này nghèo vẫn nghèo, không thoát khỏi vòng lẩn quẩn”. Đời sống người dân tộc Chăm còn rất nhiều khó khăn, quan niệm còn lạc hậu, nhiều gia đình cha mẹ nghèo, không có điều kiện cho con cái đi học, nhất là con gái vì “con gái học lắm cũng lấy chồng, sinh con, không giúp ích được gì” Nhưng với sự quyết tâm, không ngại gian khổ, 5 chị em của chị đều học hết lớp 12 dù ba mẹ chị rất vất vả, cực khổ, chạy vạy từng miếng ăn để lo cho anh chị em của chị ăn học đến nơi đến chốn. Nhiều lần thấy ba mẹ cực khổ chị định nghỉ học để phụ giúp nhưng ba mẹ chị không đồng ý nên chị cố gắng học, hết lớp 12 rồi thi đậu vào Cao đẳng Tiểu học để thực hiện ước mơ làm cô giáo. Chị chia sẻ: “Mình thích nghề giáo viên lúc còn nhỏ, lúc đi học, đôi lúc giáo viên người Kinh dạy không hiểu mà không biết hỏi như thế nào. Từ đó mình tự nhủ lớn lên sẽ trở thành giáo viên để giải thích cho các em người dân tộc từ tiếng mẹ đẻ sang tiếng phổ thông dễ hiểu hơn”. Năm 2005 ra trường, chị được nhận về giảng dạy ở trường tiểu học Vừ A Dính đến nay. Cô Nguyễn Thị Dung – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: trong quá trình công tác, cô Has là một giáo viên rất tích cực, năng động có trách nhiệm cao trong việc giảng dạy văn hóa cũng như tu dưỡng đạo đức cho học sinh. Nhờ vậy, nhiều năm liền chị đạt lao động tiên tiến, riêng năm học 2013-2014 chị đạt chiến sĩ thi đua cơ sở, chị cũng là tổ trưởng tổ chuyên môn suốt 5 năm liền. Ghi nhận những đóng góp tích cực của chị, năm 2010, chị được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng, chị tâm sự: “Vào Đảng mình sẽ hiểu biết nhiều hơn, mình sẽ giải thích cho bà con hiểu đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để bà con thực hiện đúng quy định”. Từ tấm gương của chị mà đến nay đồng bào dân tộc Chăm nơi đây đã nâng cao nhận thức, lo cho con cái học hành, nhiều em học đến đại học và từ đó cuộc sống bà con đã khá hơn nhiều. Tại Đại hội Đại biểu dân tộc thiểu số Thành phố vừa qua, cô giáo Thị Sa Ly Has được Ủy ban nhân dân thành phố Tây Ninh biểu dương, khen thưởng với thành tích tốt trong việc củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Thành phố. Cô giáo Trần Thị Nhung ở khu phố 2, phường 3, cô giáo của lớp học tình nguyện với gần 100 học sinh lại là tấm gương về giàu lòng nhân ái, một giáo viên hết lòng đối với những học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đã hơn 10 năm nay, ngày nào lớp học tình nguyện tại nhà cô cũng luôn rộn rã tiếng các em học sinh. Lớp học này bắt đầu từ năm 1997, từ khi có vài đứa trẻ nghèo khó ở phường cầm sách vở đến nhờ cô chỉ giúp vài chỗ khó của môn tiếng Anh. Lúc mới mở lớp, cô vẫn đang công tác ở Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh với vai trò là cán bộ công đoàn chuyên trách. Vừa đi làm vừa sắp xếp lên lớp cho các em là cả vấn đề, nhưng với cô Nhung mọi chuyện thật dễ dàng vì cô xem đó là niềm vui, là lẽ sống của mình. Năm 2013, cô chính thức về hưu và dành trọn thời gian cho lớp học của mình. Cô bảo: “gọi là lớp học tình nguyện cho đúng với sự tự nguyện của cô khi đến với các em, cô không có con, nên nhìn thấy các em nhà khó khăn mà thích học cô thương quá nên mới tự mình mở ra lớp học này. Cô còn cười và nói: “lớp của cô hợp với mấy em mất căn bản hay sao ấy, mà mấy đứa đến xin học đều như vậy”. Nhưng nhờ sự hướng dẫn tận tình của cô, chỉ học với cô một thời gian ngắn là các em đã nắm vững ngữ pháp và còn say mê môn tiếng Anh hồi nào không biết. Lớp học của cô như một gia đình, các em thương yêu, ngoan ngoãn, vâng lời, giúp đỡ nhau như anh em một nhà. Dù chưa được đào tạo nghiệp vụ sư phạm, nhưng cô đã chủ động tự nghiên cứu, tự học tiếng Anh trên cái nền từ hồi học phổ thông. Rồi cô tham khảo thêm sách bạn bè trong ngành giáo dục để cập nhật những thay đổi của kiến thức. Học trò của cô có đủ mọi lứa tuổi, từ lớp 1 đến các học sinh bậc trung học phổ thông, nhưng điểm chung của các em có niềm đam mê học tiếng Anh mà không có điều kiện đi rèn thêm, hoặc là mất căn bản môn học này. Không chỉ truyền đạt cho các em sự ham học từ chính mình mà cô còn tự nghiên cứu để có phương pháp dạy hiệu quả. Đó là học theo nhóm và mô hình “Đôi bạn cùng tiến”. Cô chọn những em khá kèm cặp cho những em yếu, học theo nhóm để tự kiểm tra bài lẫn nhau và cô sẽ là người kiểm tra, cho điểm cuối cùng để khích lệ tinh thần học tập của các em. Qua hơn 17 năm mở lớp, số lượng học sinh của lớp học đã lên đến gần cả trăm em. Hiện tại, cùng song hành với cô là một nhóm học sinh, sinh viên tình nguyện (với trên 10 người), những em này đều là học trò của cô trước kia đến hỗ trợ cô kèm thêm cho các em khác. Nhờ có sự hỗ trợ của các tình nguyện viên mà hiện nay, ngoài việc học tiếng Anh, lớp học của cô còn phụ đạo thêm các môn khác như tiếng Việt, Toán, Lý, Hóa… cho các em học yếu môn này. Bên cạnh việc dạy các em học văn hóa, vào dịp hè, cô cùng các tình nguyện viên còn rèn cho các em về kỹ năng sống như: kỹ năng giao tiếp, ứng xử, bảo vệ môi trường, về âm nhạc …Không những thế, cô còn tranh thủ vận động các doanh nghiệp tặng học bổng, xây nhà nhân ái, tặng tập vở cho các em ngoài việc cô trồng thêm hoa kiểng bán cho các cửa hàng hoa để có thêm kinh phí lo cho lớp học. Cô tâm niệm “Làm cho các em chính là làm cho chính mình”, được học cùng các em, vui đùa cùng các em, cô như thấy cuộc đời có ý nghĩa hơn, cô còn nhớ từng cái tên của những đứa học trò đầu tiên, mặc dù bây giờ tụi nó đã có gia đình rồi, nhưng hàng năm vẫn thường ghé thăm cô, có em còn mang theo tặng cho cô vài con cá, hoa quả tươi, nhưng những điều đó chính là nguồn động viên lớn lao giúp cô tiếp tục duy trì lớp học tình nguyện này. Cô Thị Sa Ly Has và cô Trần Thị Nhung là những bông hoa tươi thắm trong vườn hoa làm theo lời Bác trong ngành giáo dục, là những cô giáo thực hiện tốt lời dạy của Bác “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”. Với những đóng góp đó, tại Hội nghị điển hình tiên tiến của Hội LHPN thành phố Tây Ninh năm 2014, 2 cô được vinh dự là gương phụ nữ điển hình trong số 11 gương của phụ nữ thành phố.

                                                                     Quế Hương -  Xuân Vũ

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây