Kỷ niệm 110 năm ngày sinh nhà cách mạng Huỳnh Tấn Phát (15/2/1913 – 15/2/2023).

Thứ ba - 14/02/2023 20:07 1.655 0

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát, chúng ta nhớ về ông - một nhà trí thức yêu nước có uy tín lớn, một nhà lãnh đạo luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, là tấm gương tiêu biểu cho đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế…

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát sinh ngày 15/2/1913, tại làng Tân Hưng, quận An Hóa, tỉnh Mỹ Tho (nay là ấp Tân Hưng, xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) trong một gia đình địa chủ phá sản. Được gia đình cho ăn học, với tư chất thông minh, Huỳnh Tấn Phát lần lượt tốt nghiệp bậc tiểu học, bậc trung học tại Trường dòng Laxan Tabe Mỹ Tho, Trường Trung học Mỹ Tho, Trường Trung học Pétrus Ký (Sài Gòn).

Huỳnh Tấn Phát vốn là một kiến trúc sư tài năng, bắt đầu hành nghề từ năm 1938 (khi mới 25 tuổi), tại Sài Gòn. Văn phòng của ông nhanh chóng nổi tiếng không chỉ bởi các thành tích cá nhân của ông[1] mà còn vì luôn cạnh tranh sòng phẳng với các văn phòng kiến trúc sư của người Pháp về chất lượng, uy tín, giá cả. Từ nghề nghiệp này, ông trở nên khá giả, tiếp xúc nhiều người thuộc giới tinh hoa của xã hội thời bấy giờ và được nhiều người biết đến.

Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát (1913 - 1989). (Ảnh tư liệu)

Nhưng ông không an phận với danh vị và thành công của một kiến trúc sư. Vốn giàu lòng yêu nước, được những nhà cách mạng tên tuổi giác ngộ, Huỳnh Tấn Phát dần trở thành một nhà cách mạng. Sau nhiều lần trao đổi với những người cùng chí hướng, ông đóng cửa văn phòng kiến trúc sư, gom hết tiền dành dụm, năm 1943, ông đã mua lại manchette tờ báo công khai Thanh niên (ra đời từ tháng 9/1941, đã qua hai đời chủ nhiệm[2]). Số đầu tiên của tuần báo Thanh niên do Huỳnh Tấn Phát đứng tên chủ nhiệm, phát hành ngày 7/8/1943, lập tức tạo tiếng vang lớn trong giới trí thức. Báo có 12 trang, ra ngày thứ bảy, tòa soạn đặt ở số 70 đường Meyer, Sài Gòn (nay là đường Võ Thị Sáu).

Chủ trương của tờ Thanh niên rất rõ ràng: đoàn kết người Việt khắp 3 miền chống lại óc địa phương tai hại, chống lại sự chia rẽ của ngoại bang, kêu gọi thanh niên người Việt chung tay gánh vác trách nhiệm giải phóng dân tộc, nhắc nhớ những trang sử hào hùng chống ngoại xâm và khuyến khích xu hướng nghệ thuật phụng sự cộng đồng…

Lúc đầu, báo có sự cộng tác của nhóm Tô Văn Của, Huỳnh Văn Nghệ, Bằng Giang…, sau có thêm Huỳnh Văn Tiểng, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Văn Nguyễn... Đặc biệt, báo có sự cộng tác của các nhà cách mạng chuyên nghiệp như Trần Văn Giàu, Hà Huy Giáp, Phạm Ngọc Thạch… với những bài viết chính luận sắc sảo. Với uy tín và tấm lòng của Huỳnh Tấn Phát, nhiều cây bút tên tuổi bấy giờ đã gửi bài cộng tác đến Thanh niên , như Xuân Diệu, Mạnh Phú Tư, Huy Cận, Chế Lan Viên, Vũ Đình Liên, Nguyên Hồng, Khuông Việt, Dương Tử Giang, Nguyễn Hải Trừng, Nghiêm Xuân Việt, Bình Nguyên Lộc… Và chính tuần báo Thanh niên của Huỳnh Tấn Phát đã cho in những tác phẩm đấu tranh trực diện với chính quyền thực dân như ca khúc “Lên đàng” của Lưu Hữu Phước, vở kịch “Hội nghị Diên Hồng” của Mai Văn Bộ - Huỳnh Văn Tiểng…

Tuần báo Thanh niên do Huỳnh Tấn Phát làm chủ nhiệm. (Ảnh tư liệu)

Nhà nghiên cứu Bằng Giang, người từng tham gia hoạt động với tờ Thanh niên, sau này trong tác phẩm “Đường dây không dứt”, ra đời năm 1993 đã nhận định về tờ báo rất cô đọng “mệnh ấy yểu mà danh ấy thọ”. Ông viết: “Thanh niên là một tuần báo có giá trị thật đặc biệt. Nó ít nói chính trị mà bài vở của nó ở các mục khác nhau hợp lại như một bản hòa tấu rất có chính trị. Nó vạch ra một hướng đi đúng theo dòng tiến hóa của lịch sử. Đối diện với hiện tại đen tối mà nó đã lên án gắt gao trong “một bản cáo trạng” sôi bỏng, nó phóng mắt về tương lai với một niềm tin sắt đá. Nó có ý thức đứng lên làm lịch sử và thiết tha mời gọi đồng bào các giới đoàn kết cùng đứng lên, can đảm chấp nhận hy sinh để nối con đường lịch sử duy nhất đã bị gián đoạn”.

Bằng Giang kết luận: “Từ 9/1941 đến 9/1944, tờ Thanh niên đã trải qua ba đời chủ nhiệm, nhưng về sau, có nhắc đến nó người ta chỉ còn nhớ giai đoạn tờ báo ở trong tay người chủ nhiệm sau cùng: Huỳnh Tấn Phát. Làm báo công khai ở Sài Gòn thời thuộc địa, có một lần, trong vỏn vẹn có một năm vẫn đủ để đời, tưởng chỉ có một Huỳnh Tấn Phát. Đến các tay làm báo chuyên nghiệp cũng chỉ thấy trong mơ”.

Không phải là nhà báo chuyên nghiệp nhưng Huỳnh Tấn Phát đã mạnh dạn đứng ra làm Chủ nhiệm tuần báo Thanh niên với khuynh hướng kháng Pháp, chống Nhật. Ở Thanh niên, ông cùng các đồng chí của mình đã phát triển mạnh phong trào truyền bá chữ Quốc ngữ, phong trào cứu tế nạn đói Bắc kỳ và đặc biệt là bước đầu xây dựng phong trào Thanh niên Tiền phong, rồi sau đó trực tiếp tổ chức phong trào này với vai trò Trưởng ban Cổ động để trở thành lực lượng cách mạng quan trọng trong Cách mạng tháng Tám chỉ non một năm sau đó.

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát là dịp để chúng ta tri ân, khẳng định những công lao và đóng góp quan trọng của đồng chí Huỳnh Tấn Phát - bậc trí thức lớn của dân tộc, lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, Mặt trận trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trân trọng và ghi nhớ công ơn to lớn của bao lớp người đi trước, nhắc nhở thế hệ hôm nay tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, không ngại khó khăn gian khổ, dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào cũng phải vươn lên, sẵn sàng cống hiến vì mục tiêu, lý tưởng đã chọn, quyết tâm sớm biến mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” thành hiện thực, nhất là tập trung triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

nguồn: hcmcpv.org.vn; baomoi.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây