Cô Hạnh không chỉ tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ cho các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại xã Tân Phong, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh mà cô còn sẵn sàng hiến đất, hết lòng vì cộng đồng.
Nhắc đến cô Trần Thị Đức Hạnh xã Tân Phong, không ai không biết đến cô. Là một người vui vẻ, nhiệt tình, hòa đồng và đặc biệt giàu tình cảm yêu thương, tích cực trong công tác thiện nguyện, cô luôn giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cô được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Tây Ninh giàu lòng nhân ái, khi nhìn thấy những mảnh đời cơ nhỡ, cô luôn ấp ủ mong muốn mình có thật nhiều điều kiện về kinh tế để có thể giúp đỡ và chia sẻ bớt phần nào khó khăn.
Cô Hạnh tặng quà san sẽ yêu thương hàng tháng
Cô kể, trước đây gia đình chỉ có vài công đất, cuộc sống cũng không dư dả gì đôi khi phải thiếu trước hụt sau. Nhưng rồi với ước mơ được chia sẻ, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, cô đã không ngần ngại vất vả, cố gắng nỗ lực chăm chỉ lao động. Với mảnh đất sẵn có, cô vừa chăn nuôi rồi mướn thêm đất trồng mì, mía… tích góp dần ngày qua ngày sau gần ba mươi năm, giờ gia đìnhcô đã có hơn 15 hecta đất canh tác. Khi ổn định về kinh tế, cô vừa sản xuất canh tác, vừa tham gia các hoạt động từ thiện, thực hiện ước mơ của mình.
Cô Hạnh nấu ăn cho lực lượng phòng chống dịch
Chia sẻ về những hoạt động thiện nguyện của mình, cô nói: “Thương người như thể thương thân, khi có niềm đam mê thì sẽ không khó để dành trọn tâm huyết thực hiện, và mỗi khi được giúp đỡ, chia sẻ bản thân tôi cảm thấyvui và hạnh phúc”. Được biết năm 2014, Phòng chẩn trị y học cổ truyền Được Hồi có nhiều người đến bắt mạch, bốc thuốc nhưng phòng quá nhỏ, không đảm bảo cho việc khám và chữa bệnh, cô đã cho mượn đất đang trồng cao su để làm phòng thuốc chẩn trị và hiện nay các phòng đều hoạt động hết công suất, gồm phòng bắt mạch, phòng bốc thuốc, kho thuốc và có cả 20 giường bệnh có thể ở lại điều trị trong nhiều ngày. Bên cạnh đó, khoảng đất trống còn lại, cô Hạnh cùng các bà, các chị trong xã cùng nhau trồng nhiều loại thuốc nam để cung cấp cho phòng thuốc. Năm 2015, thấy văn phòng ấp xây dựng tạm trên bờ kênh với diện tích nhỏ hẹp và xuống cấp nên cô Hạnh quyết định hiến đất cho xã xây văn phòng ấp, để cho mọi người có chỗ hoạt động tại địa phương. Ngoài ra, cô còn hiến đất xây tịnh thất tại xã Tân Phong, hiến đất làm đường vô nghĩa địa tại địa phương (khoảng 3000m2), hiến đất xây dựng khu di tích lịch sử Huỳnh Công Nghệ (khoảng 10.000m2) tại Bến Cát.
Người dân khám bệnh tại đông y Được Hồi
Không dừng lại ở đó, ngoài việc hiến đất, trong thời gian tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tuy cô không phải là lực lượng trực tiếp đi hỗ trợ tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19 nhưng cô luôn đảm nhiệm tốt vài trò hậu phương, cung cấp lương thực và phát 200 suất cơm mỗi ngày cho các chốt kiểm dịch, các thành viên của lực lượng phòng chống dịch tại địa phương hỗ trợ phòng chống dịch trong thời gian chỉ thị 16 được áp dụng. Với việc làm của cô tuy góp phần công sức nhỏ bé nhưng đã nêu cao tinh thần luôn sẵn sàng chung tay cùng cộng đồng phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Bà Nguyễn Thị Diệu Thu - Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Phong: “Cô Hạnh là hội viên tích cực của Hội, cô luôn quan tâm đến những hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ cao tuổi neo đơn, người khuyết tật. Khi có những trường hợp có người gặp tai nạn thì cô sẵn sàng đưa đi cấp cứu, thậm chí cô còn chi tiền túi để đóng viện phí cho những hộ gia đình khó khăn,... Những việc làm đầy ý nghĩa của cô đã truyền cảm hứng cho những người làm công tác từ thiện hăng hái tham gia và số lượng đến hỗ trợ cô ngày càng nhiều hơn, không chỉ có các cô chú lớn tuổi mà kể cả các bạn trẻ thanh niên”.
Cô Hạnh ( người đứng đầu tiên trái) nhận giấy khen của Hội LHPN tỉnh
Với những việc làm cao quý của Cô đã được Hội LHPN xã, huyện ghi nhận tặng nhiều giấy khen, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen, Đoàn Chủ tịch trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tặng kỷ niệm chương “vì sự phát triển của phụ nữ Việt Nam”.
Hội tặng kỷ niệm chương cho Cô Hạnh
Diệu Thu
Ý kiến bạn đọc