Sinh ra và lớn lên ở miền quê Tây Ninh nắng gió nên từ nhỏ thấu hiểu sự nhọc nhằn, khốn khó của những chị em nghèo, khó khăn trên địa bàn xã Hòa Thạnh. Sau khi nghỉ hưu năm 2016, cuộc sống gia đình của cô Phạm Thị Nhị ngụ ấp Hiệp Phước, xã Hòa Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh gặp nhiều khó khăn, cô nghĩ nếu chỉ nhờ vào khoản chế độ hưu trí thì không thể khá giả. Sau một chuyến đi tìm việc làm tại TP.HCM, cô được một người bạn giới thiệu tham gia học nghề đan ghế nhựa giả mây từ một công ty ở Hóc Môn. Học xong, cô Nhị về bàn với Hội phụ nữ xã thành lập tổ gia công đan ghế nhựa giả mây do cô làm tổ trưởng, vừa dạy nghề cho chị em, vừa nhận khung, dây nhựa từ công ty về làm. Cô Nhị tâm sự: “Thấy chị em trong xã có nhiều thời gian rảnh rỗi, tôi liên hệ với công ty đem sản phẩm về giúp chị em có việc làm, tăng thêm thu nhập”. Tính đến nay, tổ gia công của cô đã có hơn 80 lao động nông thôn trong và ngoài xã.
Cô Phạm Thị Nhị đan ghế nhựa giả mây
Cứ như vậy, việc thiện nguyện của cô Nhị tăng dần theo năm tháng. Gắn bó với công tác thiện nguyện gần 6 năm qua, cô Nhị không nhớ mình đã giúp đỡ bao nhiêu người có hoàn cảnh khó khăn. Với cô, đem niềm vui đến cho mọi người cũng chính là tạo niềm vui cho mình.
Những năm qua , cô Nhị đã là mạnh thường quân lớn của Hội. Cô Nhị cho biết: “Tôi còn sức lực để làm kinh tế thì vẫn tiếp tục công việc sẻ chia với những khó khăn với chị em và bà con. Tôi luôn tâm niệm, cuộc sống là sự chia sẻ, tôi muốn làm cái gì thiết thực cho mọi người. Tôi hy vọng, với sự sẻ chia bé nhỏ này sẽ giúp những người có hoàn cảnh khó khăn vơi đi phần nào nỗi vất vả, thiếu thốn đặc biệt là chị em phụ nữ, trẻ em, người già neo đơn”. Đều đặng hàng năm, cô ủng hộ quỹ học bổng Trần Thị Sanh cho Hội LHPN xã trong dịp nhân ngày 20/10. Riêng trong năm 2021, cô đã hỗ trợ 4 suất học bổng Trần Thị Sanh với tổng trị giá 1.600.000đ và hỗ trợ 02 suất khởi nghiệp trị giá 20.000.000đ/02 hộ hội viên phụ nữ. Dường như trong cuộc đời của cô Nhị, ngoài thời gian dành cho công việc gia đình bận bịu, thì quỹ thời gian còn lại cô dành cho những chuyến đi tìm mạnh thường quân để giúp đỡ, hỗ trợ người dân các địa phương. Quả là không sai nếu nói “làm việc thiện là cuộc sống cũng là niềm vui của cô Nhị ”. Với vai trò Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, cô rà soát tham mưu Hội LHPN xã phối hợp Ngân hàng Chính sách Xã hội hoàn thiện hồ sơ, đảm bảo cho hội viên sớm tiếp cận với nguồn vốn vay để phát triển kinh tế. Đến nay, cô đã phối hợp xét cho vay 46 hộ với tổng dư nợ là 1.552.215.513 đồng. Cô chia sẻ: “Nhiều chị em muốn làm ăn mà không có vốn nên khó mà thoát cảnh khó khăn, hiểu được điều đó nên tôi cố gắng tìm nguồn vốn để chị em tiếp cận. Tuy đồng vốn không cao, nhưng phần nào giúp chị em có xoay xở, từng bước tăng thu nhập”.
Cô Phạm Thị Nhị trao vốn khởi nghiệp cho chị em
Không chỉ đồng hành với chị em phụ nữ, cô còn là một đầu bếp thiện nguyện. Trong đợt bùng phát dịch cô lại không ngại khó, nguy hiểm, góp sức mình vào công tác phòng, chống dịch ở địa phương , xã có 02 khu bị phong tỏa với tổng số hộ 44 hộ/176 nhân khẩu, 01 khu cách ly tập trung tại Trường tiểu học Phạm Văn Nô. Tổng số F1 28 người đang cách ly tập trung; cô đã đứng bếp nấu 40 suất cơm hằng ngày cho khu cách ly, vận động trên 2 tấn rau, củ, quả cho bếp ăn cách ly.
Với nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, cô Nhị đã nhận được nhiều hình thức khen thưởng từ các cấp, các ngành. Mới đây nhất, một lần nữa cô Nhị lại vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động phong trào Hội năm 2021. Sự ghi nhận xứng đáng đó là nguồn động lực lớn để chị tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa, tích cực tham gia xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Nguyễn Thị Thuỳ Trang
Ý kiến bạn đọc