Nhiều hội viên, phụ nữ tăng thu nhập, có việc làm ổn định bằng mô hình “may gia công” tại nhà

Thứ hai - 03/10/2022 09:26 431 0

Ghé thăm xưởng may của chị Thân vào một buổi chiều muộn, thời điểm công nhân đang tăng ca để hoàn thành đủ số lượng hàng. Chị Thân dẫn tôi đi một vòng để thăm xưởng, với diện tích xưởng chỉ hơn 100m2 của gia đình với  khoảng 7 chiếc  máy may. Cùng với đó là  máy vắt chỉ, dập cúc, bàn là hơi, máy vắt sổ được trang bị đầy đủ, mỗi công nhân phụ trách một công đoạn để cùng tạo ra sản phẩm.

Đinh Thị Ngọc Thu - Chủ tịch Hội LHPN huyện Tân Châu thăm hỏi, động viên chị em phụ nữ trong tổ may

 Chị chia sẻ: Từ khi xưởng may đi vào hoạt động đã góp phần tạo công ăn, việc làm cho nhiều hội viên phụ nữ ở địa phương với thu nhập bình quân 4_6 triệu đồng/tháng. Được thành lập và duy trì từ cuối năm 2021 đến nay, tổ may của chị chủ yếu gia công quần áo theo đơn đặt hàng của công ty. Chị tâm sự: Được sự quan tâm của Hội LHPN xã, chị đã được hỗ trợ thêm về khoản vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, vốn hỗ trợ phụ nữ nghèo để có điều kiện mua thêm máy may, tạo việc làm thường xuyên cho 5_7 người. Hầu hết chị em tham gia tổ may đều có hoàn cảnh khó khăn, không có công việc ổn định giờ đây mỗi ngày đi làm là chị em mừng lắm, ai cũng làm tốt công việc của mình.

Quang cảnh mô hình “may gia công” tại nhà

Chị Hạnh (ấp Thạnh An, xã Tân Hiệp, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) đang thoăn thoắt đôi tay của mình để may cho kịp đơn hàng, vừa làm vừa cho biết: Chị từng đi cạo mủ cao su nhưng sức khỏe chị không được tốt mà nắng mưa lại thất thường, phải dậy sớm từ 1, 2h đêm rất cực, thế là buổi chiều rảnh  rỗi chị ra tổ may học, dần dần cũng biết may những đường may cơ bản và được chị Thân động viên về làm với chị cho đỡ vất vả. Thời gian đầu thì chưa quen, với sự chỉ bảo nhiệt tình của chị em trong tổ may đến nay thì công đoạn nào tôi cũng đều làm được. Công việc này giúp tôi thoải mái hơn, tranh thủ thời gian để kiếm thêm thu nhập nhưng vẫn có thể chăm sóc, đưa đón con đi học và phụ giúp chồng làm rẫy. Tôi cảm thấy rất hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình.

Chị Hạnh (áo nude), hướng dẫn chị em trong tổ may may hàng.

Cũng là công nhân làm việc cho tổ may gia công của chị Thân, chị mới xin làm việc được vài tháng tại đây nhưng đã nằm trong top may được số lượng nhiều nhất tổ. "Trước đây, tôi có mở quán trà sữa để buôn bán nhưng  thu nhập bấp bênh nên gia đình thường lâm vào cảnh túng thiếu. Từ khi biết đến tổ may mặc gia công này, tôi đã đến đăng ký xin làm. Hiện tôi có thu nhập ổn định 5 triệu đồng/tháng", chị Hà chia sẻ.

Ngoài việc triển khai hiệu quả  từ Mô hình tổ “ may gia công”, chị còn sẵn sàng đào tạo nghề may ngắn hạn miễn phí cho hội viên, phụ nữ, sắp xếp việc làm cho những người có nhu cầu ngay khi học xong để có thêm thu nhập giúp họ có thể gắn bó lâu dài và sống tốt với nghề.

Chị Giang, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Hiệp cho biết: Đa số chị em trên địa bàn xã đều sống bằng nghề đi làm cỏ, trồng mì, cạo mủ cao su, nhưng sao năm nay mưa nhiều, công việc chị em không thuận lợi có tháng làm được vài ngày không đủ tiền để chi phí cuộc sống sinh hoạt hàng ngày nên nghề may gia công đã giúp nhiều phụ nữ có việc làm ổn định, góp phần cải thiện kinh tế  và  từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đinh Thị Ngọc Thu - Chủ tịch Hội LHPN huyện Tân Châu nhận xét: Tổ may gia công được chị em thực hiện khá hiệu quả, mặc dù chỉ mới triển khai được gần 1 năm nhưng mô hình này góp phần giải quyết việc làm cho nhiều chị em tại địa phương. Đặc biệt, đối tượng phụ nữ nghèo làm chủ hộ, hạn chế được tình trạng các chị phải đi làm ăn xa. Bà cho biết thêm về hướng sắp tới, Hội sẽ tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình tổ may gia công đến tất cả các xã còn lại./.

Lê Giang

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây