Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tây Ninh là đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, là điểm tựa vững chắc cho nhiều hộ gia đình nghèo vươn lên. Đồng thời đã thực hiện tốt công tác tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tây Ninh triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận 06 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Từ đó, quy mô tín dụng được mở rộng, chất lượng tín dụng ngày càng được củng cố và nâng cao.
Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều gia đình đã vượt khó vươn lên, cải thiện cuộc sống, như câu chuyện của gia đình bà Trần Thị Phương Nhi ở xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Năm 2012, từ Nam Định vào Tây Ninh lập nghiệp, gia đình bà Nhi phải bươn chải đủ nghề để kiếm sống. Đến năm 2018, gia đình bà Nhi đã bén duyên với mô hình chăn nuôi dê. Nhờ từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, bà Nhi đã mở rộng quy mô trang trại nuôi dê từ 20 con của gia đình lên số lượng gần 2.000 con dê, từ đó cuộc sống gia đình của bà Nhi đã ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Còn ông Lê Minh Hải, ngụ khu phố 3, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, năm 2023 khi được vay vốn 100 triệu đồng từ Chương trình hộ mới thoát nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội, ông Hải đã mạnh dạn đầu tư cải tạo chuồng trại, chăn nuôi bò sinh sản và trồng cây sắn. Nhờ được có nguồn vốn kịp lúc nên cuộc sống gia đình ông Hải đã dần được cải thiện, ổn định cuộc sống, không còn cảnh thiếu vốn dù chỉ là buôn bán nhỏ lẻ.
Là đối tượng được hưởng theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, anh Lương Hoài Ân (34 tuổi), ngụ khu phố 4, thị trấn Tân Biên, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, sau khi mãn hạn tù trở về địa phương, anh Ân đã cùng vợ con chí thú làm ăn nhưng thiếu vốn nên chỉ buôn bán nhỏ để mưu sinh. Khi được vay vốn, gia đình anh Ân như được tiếp thêm sức mạnh để vực dậy ổn định cuộc sống.
Ông Lương Thanh Hồng (cha ruột của anh Lương Hoài Ân) xúc động cho biết: "Với khoản vốn vay này, con tôi có cơ hội làm lại cuộc đời và tôi cũng không biết nói gì hơn ngoài việc cảm ơn Đảng, Nhà nước đã tạo điều kiện cho con tôi có một ánh sáng hy vọng mới".
Theo bà Nguyễn Thị Minh Hằng, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tây Ninh, tính đến hết tháng 10/2024, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh mà đơn vị quản lý là gần 4.399 tỷ đồng, tăng gần 394 tỷ đồng so với đầu năm 2024; trong đó, nguồn vốn cân đối từ Trung ương là trên 3.859 tỷ đồng; nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương là gần 540 tỷ đồng. Doanh số cho vay từ đầu năm 2024 đến hết tháng 10/2024 là gần 1.150 tỷ đồng, với 31.205 lượt khách hàng vay vốn; doanh số thu nợ trên 760 tỷ đồng.
Những năm qua, chất lượng tín dụng chính sách được duy trì ổn định, tỷ lệ nợ quá hạn ở mức thấp (chỉ chiếm 0,17% tổng dư nợ). Đến nay, toàn tỉnh có 17/94 xã và 2.254/2.655 Tổ tiết kiệm và vay vốn không có nợ quá hạn.
Ông Đào Anh Tuấn, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tây Ninh nhìn nhận, thời gian qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai, quán triệt, tuyên truyền và kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện có lúc, có nơi chưa được thường xuyên. Nguồn lực để thực hiện một số chương trình tín dụng chính sách xã hội còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Việc phối hợp, lồng ghép các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, các hoạt động chuyển giao công nghệ, đào tạo nghề với hoạt động tín dụng chính sách chưa thật sự gắn kết, hiệu quả và đồng bộ.
Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tây Ninh đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tốt việc tuyên truyền, phổ biến chính sách về tín dụng chính sách xã hội, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh.
Ông Dương Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tây Ninh cho biết, trong những năm qua, chính quyền địa phương các cấp đã thực sự quan tâm, vào cuộc, bố trí tối đa nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện cho vay đối với đối tượng chính sách tại địa phương.
Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp đã nâng cao được trách nhiệm, vai trò nhận ủy thác cho vay; tích cực phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội và chính quyền địa phương củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động; tín dụng chính sách xã hội đã thực sự đi vào cuộc sống, đáp ứng nguyện vọng của người dân Tây Ninh, kết nối được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân, kịp thời hỗ trợ cho những đối tượng yếu thế vượt qua khó khăn, thay đổi cuộc sống, không để ai bị bỏ lại phía sau, làm tô đậm thêm tính nhân văn sâu sắc của chính sách tín dụng xã hội vì người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Nguồn: https://bnews.vn/tin-dung-chinh-sach-xa-hoi-giup-nhieu-gia-dinh-thoat-ngheo/355145.html