Năm 2020, chị Lô Thị Là được bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Trước đó, chị Là có gần 10 năm làm cán bộ thú y xã Bảo Thắng, huyện Kỳ Sơn. Theo quy định của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP và Nghị định số 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ, nhân viên thú y chưa được xác định là người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Chị Là cũng không phải là người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.
Nghị quyết 22 năm 2019 của HĐND tỉnh Nghệ An quy định tối đa chỉ có 12 chức danh và không có chức danh cán bộ thú y của xã, phường, thị trấn. Chị Là chính thức nghỉ việc và sau đó trở thành phó chủ tịch Hội LHPN xã và là cán bộ không chuyên trách của xã Hữu Kiệm. Thời điểm mới nhận công việc, chị Là đang mang bầu con thứ 2. Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định, người hoạt động không chuyên trách tại xã không được hưởng chế độ thai sản, chế độ ốm đau, chế độ tai nạn - bệnh nghề nghiệp.
"Mặc dù thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, tuy nhiên chế độ bảo hiểm xã hội cho người hoạt động không chuyên trách lại có phần khác biệt so với các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khác. Sinh con nhưng tôi không được hưởng chế độ thai sản, ốm đau tôi cũng không có chế độ. Suốt nhiều năm trời, tôi đã mong chờ luật sẽ thay đổi và ngày ấy cũng đến, khi Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2024 (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/7/2025 đã bổ sung chế độ thai sản, ốm đau", chị Là chia sẻ.
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh (Thư viện pháp luật) cho biết, Luật Bảo hiểm Xã hội (BHXH) 2024 có rất nhiều điểm mới nổi bật, trong đó những quyền lợi liên quan đến lao động nữ. Cụ thể: bổ sung quyền thụ hưởng chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
Luật BHXH năm 2024 bổ sung trường hợp lao động nữ sinh con phải nghỉ việc để điều trị vô sinh. Thực tế cho thấy, nhiều lao động nữ hiếm muộn phải xin nghỉ việc không lương nhiều tháng (không đóng BHXH bắt buộc trong thời gian này) để điều trị vô sinh, hoặc phải nghỉ dưỡng thai sớm khi đậu thai. Do đó, họ khó đáp ứng được điều kiện thời gian đóng BHXH trong 12 tháng trước thời điểm sinh con theo Luật BHXH năm 2014.
Luật BHXH năm 2024 cũng đã bổ sung thêm quy định: cho phép lao động nữ sinh con phải nghỉ việc để điều trị vô sinh, chỉ cần đóng BHXH bắt buộc từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng liền kề trước khi sinh con là đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản. Quy định trên sẽ giúp nhiều lao động nữ rơi vào cảnh hiếm muộn, điều trị vô sinh có cơ hội được nhận chế độ thai sản, hỗ trợ họ trong thời gian sinh con.
Theo Luật BHXH năm 2014, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 5 lần, mỗi lần 1 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 2 ngày cho mỗi lần khám thai. Luật BHXH năm 2024 quy định rõ là 2 ngày: "Lao động nữ mang thai được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản để đi khám thai tối đa 5 lần, mỗi lần không quá 2 ngày".
Khi sảy thai, phá thai, thai chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ, thai ngoài tử cung thì lao động nữ mang thai được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 10 ngày đến 50 ngày, tùy vào độ tuổi thai nhi. Theo Luật BHXH năm 2014, lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản tối đa 50 ngày trong trường hợp này khi thai từ đủ 25 tuần tuổi trở lên. Luật BHXH năm 2024 điều chỉnh giảm điều kiện này xuống, chỉ cần thai từ đủ 22 tuần tuổi trở lên là được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản tối đa 50 ngày.
Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) được thông qua, có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Luật gồm 08 chương, 63 điều, nhằm phát huy vai trò của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong phòng, chống mua bán người ngay từ cơ sở.
Điểm mới của Luật là mở rộng đối tượng bảo vệ, gồm nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, người dưới 18 tuổi đi cùng, người thân thích của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, cá nhân tham gia phòng, chống mua bán người hoặc hỗ trợ nạn nhân; mở rộng chính sách hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và người dưới 18 tuổi đi cùng như: trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp luật, hỗ trợ học nghề, tư vấn việc làm, trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế trong năm đầu tiên nếu nạn nhân chưa có bảo hiểm y tế…
Bên cạnh đó, Luật còn bổ sung hành vi nghiêm cấm, bao gồm cả nghiêm cấm hành vi "thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai" nhằm ngăn chặn từ sớm, từ xa và xử lý hiệu quả các hành vi liên quan đến mua bán người.
Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) quy định "cấm hành vi thỏa thuận mua bán người từ khi còn là bào thai" là tạo cơ sở pháp lý cho công tác phòng, chống tội phạm, bảo vệ quyền lợi trẻ em và hết sức cần thiết, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn; góp phần trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán trẻ em và phù hợp với các quy định của Công ước quốc tế về quyền trẻ em ngay từ khi còn trong bụng mẹ.
Với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Luật này có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, gồm 03 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 40 điều của Luật hiện hành, bổ sung 02 điều, với một số nội dung mới, như: Sửa đổi, cập nhật đối tượng tham gia, trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế, phương thức, thời hạn đóng, trách nhiệm lập danh sách đóng bảo hiểm y tế, thời hạn thẻ có giá trị sử dụng; Quy định về đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu...
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 cũng có nhiều điểm mới đáng chú ý như xe đưa đón học sinh phải có thiết bị cảnh báo, chống bỏ quên trẻ; xe có niên hạn sử dụng không quá 20 năm và có màu sơn theo quy định của Chính phủ. Ô tô chở trẻ em mầm non hoặc học sinh tiểu học phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, khi đưa đón trẻ em mầm non, học sinh tiểu học phải bố trí tối thiểu 1 người quản lý trên mỗi ô tô để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự và bảo đảm an toàn cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học trong suốt chuyến đi
Những quy định chặt chẽ của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 sẽ là cơ sở pháp lý để giải quyết những vấn đề cấp bách, bất cập thực tiễn đang đặt ra. Luật được thực thi sẽ cụ thể hóa trách nhiệm quản lý nhà nước và công tác tổ chức thực thi pháp luật, bảo đảm tính chuyên nghiệp, tạo chuyển biến trong việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Ý kiến bạn đọc