Một lòng vì sự nghiệp cách mạng
Năm 18 tuổi, bà Sửa rời quê hương Long An, lên Sài Gòn gây dựng cơ sở cách mạng, trong túi chỉ vỏn vẹn 80 đồng. Cô gái nhỏ nhắn, gầy gò nhưng thông minh và khéo léo đã nhanh chóng hòa nhập vào giới công nhân nghèo với cái tên giả là Lê Thị Thu. Tai đây, bà Sửa quen chị Hai Tâm cũng là một công nhân dệt và được chị Hai Tâm bảo lãnh, xin vào học nghề trong xưởng dệt của người Hoa. Trong quá trình lao động, bà Sửa đã vận động công nhân đình công, đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm, cải thiện điều kiện làm việc.
Năm 1966, bà được giao một nhiệm vụ vô cùng quan trọng là tiêu diệt tên Bính – một nhân viên tình báo CIA cực kỳ nguy hiểm. Để hoàn thành nhiệm vụ tổ chức giao, bà hóa thân làm giúp việc trong nhà tên Bính. Bằng trí thông minh và sự nhẫn nại, bà đã tạo được cơ hội cho đồng đội phối hợp cùng tiêu diệt mục tiêu ngay tại tư gia trong đêm 28 rạng ngày 29 tháng Chạp, giữa không khí nhộn nhịp chuẩn bị đón Tết Mậu Thân. Sau chiến công đầu tiên này, bà Sửa tiếp tục nhận những nhiệm vụ quan trọng khác. Cuối năm 1968, bà bị địch bắt và giam 20 ngày, nhưng bằng sự bình tĩnh và khéo léo, bà đã vượt qua những cuộc tra tấn, bảo toàn tính mạng.
Năm 1970, khi nhận thấy thân phận của bà Sửa có nguy cơ bị lộ, cấp trên đã điều bà về huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An để nhận nhiệm vụ xây dựng cơ sở cách mạng. Tại đây, bà đã xây dựng nhiều chi bộ đảng, chi đoàn thanh niên và đội biệt động nội ô thị trấn, tạo nền tảng vững chắc cho cách mạng tiếp tục tiến công mạnh mẽ vào kẻ thù. Năm 1972, bà trở thành huyện ủy viên trẻ nhất huyện, giữ vai trò chính trị viên Thị đội cho đến ngày giải phóng.
Sau giải phóng, bà dành nhiều tâm huyết xây dựng quê hương. Từ một người phụ nữ xây dựng cơ sở trong lòng địch, bà trở thành Bí thư Huyện ủy Thủ Thừa, sau đó đảm nhiệm vai trò Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Long An. Năm 1995, bà vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.
Hình ảnh mộc mạc, giản dị của nữ Anh hùng giữa đời thường
Sống mãi tinh thần người chiến sĩ cộng sản
Dành trọn tuổi xuân cho sự nghiệp cách mạng, chịu nỗi đau mất chồng chỉ một tuần sau cưới; khi được sống trong thời bình, bà Sửa vẫn đau đáu nỗi niềm với nước, với dân. Phải đến tận khi gần về nghỉ hưu bà mới nghĩ đến hạnh phúc cho riêng mình. Bà về sống nương tựa tuổi già với ông Hai Ninh - người từng là Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh.
Sau khi về chung một nhà, vợ chồng bà Sửa quyết định lên Tân Châu, mạnh dạn mua mười mẫu đất hoang và bắt đầu canh tác. Chỉ sau vài năm lao động miệt mài, nhà cửa dần hình thành, cây trái tốt tưới, mang lại nguồn thu nhập ổn định.
“Vợ chồng tôi thích làm nông nghiệp, gắn bó với đất đai, sống giản dị trong thời bình như vậy. Mỗi ngày, tôi đội nón lá, cặm cụi làm việc trên những mảnh ruộng. Nhiều khi thấy tôi làm lụng quá, nhiều người tưởng tôi là người làm thuê, họ cũng tốt bụng hỏi thăm xem tôi được trả công bao nhiêu. Biết tôi là chủ đất rồi thì ai cũng bất ngờ”, bà Sửa chia sẻ.
Sống trong thời bình, những gian khổ, nguy hiểm của thời chiến đã không còn nữa, nhưng với phẩm chất của một người cộng sản, bà Sửa vẫn luôn canh cánh trong lòng: “Ngày trước, dân che chở mình để làm cách mạng, giờ khi có điều kiện, cách mạnh thành công, đất nước phát triển, mình phải lo lại cho dân; dân an yên, dân vững tin, thì mọi việc ắt sẽ thành. Mình già về tuổi tác nhưng còn sức khoẻ là còn lao động, còn chung tay cùng Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương chăm lo cho người nghèo, cho những đồng đội còn khó khăn”.
Biến suy nghĩ thành hành động, cùng với tấm lòng nhân ái và tinh thần “lá lành đùm lá rách”, suốt nhiều năm qua, hai vợ chồng bà Sửa đã trích một phần từ nguồn tích lũy sản xuất của gia đình để giúp đỡ những mảnh đời kém may mắn, trở thành điểm tựa vững chắc cho biết bao người nghèo.
Tính đến nay, ông bà đã hỗ trợ 36 con bò, 40 con dê, 135 con cừu, xây tặng hơn 30 ngôi "Nhà tình nghĩa", "Nhà tình thương" và trao tặng hàng ngàn suất quà cho các gia đình khó khăn tại Long An, Tây Ninh và nhiều địa phương khác. Hơn cả sự giúp đỡ vật chất, đó chính là tấm lòng tri ân sâu sắc của bà đối với nhân dân, với đồng bào, đồng chí – những người mà bà đã dành cả tuổi thanh xuân để đấu tranh bảo vệ cho họ - và cũng chính họ đã che chở để bà hoàn thành sự nghiệp cách mạng của mình.
Với những hành động thiết thực ấy, bà Sửa không chỉ là tấm gương kiên cường trong lao động, dũng cảm trong đấu tranh mà còn là người nữ anh hùng hết lòng vì nhân dân, lan tỏa tinh thần nhân văn cao đẹp trong xã hội.
Vân VũTác giả: Vân Vũ Thị
Ý kiến bạn đọc