Nồi cháo nghĩa tình

Thứ tư - 11/10/2017 04:55 1.564 0

Trong một lần cùng bạn đi thăm bệnh, chị Ðỗ Thị Thu Loan (ngụ ở ấp Ninh Ðức, phường Ninh Thạnh, thành phố Tây Ninh) thấy thương những người bệnh già cả neo đơn, không có người thân chăm sóc trong bệnh viện. Chị và những người bạn bàn nhau hùn tiền mua bánh bao tặng họ ăn đỡ dạ.

Sau đó, nhóm của chị Loan thấy những cái bánh bao khó giúp cho người bệnh no lòng và không thể chia cho nhiều người. Mọi người bèn chuyển sang nấu bánh canh chở đến bệnh viện phát cho người bệnh nghèo. Mỗi tuần một lần, chị Loan và nhóm bạn cùng tập trung lại nấu nồi bánh canh to rồi chia vào thùng nhỏ, ràng lên những chiếc xe đạp chở đến Bệnh viện Y học cổ truyền dân tộc (lúc còn ở trong nội ô Toà thánh) phân phát cho người bệnh có hoàn cảnh khó khăn. [caption id="attachment_3296" align="alignleft" width="469"] bà Ngoan tham gia nấu cháo từ thiện[/caption] Từ những nồi bánh canh này, nhóm của chị Loan được người bệnh đặt tên là Nhóm bánh canh từ thiện. Mỗi người trong nhóm đều đóng góp theo khả năng để duy trì việc làm này. Thấm thoát đã hơn 20 năm, nhóm của chị Loan vẫn duy trì công việc nấu ăn cho người bệnh nghèo, chỉ có khác là vài năm gần đây, các chị chuyển sang nấu cháo cho phù hợp với sức khoẻ người bệnh. Buổi trưa thứ sáu hằng tuần, nhà của chị Loan lại rộn ràng tiếng nói cười khi mọi người tụ họp đến phụ giúp nấu cháo. Trong căn bếp nhỏ sạch sẽ và ngăn nắp, mỗi người một việc phụ sơ chế nguyên liệu. Ðầu bếp đứng nấu những nồi cháo là anh Trần Văn Hiệp, chồng chị Loan. Từ ngày biết vợ cùng bạn bè tổ chức nấu ăn từ thiện, anh đã nhiệt tình ủng hộ. Anh Hiệp thường xuyên đi làm thuê cho các dịch vụ nấu ăn nên cũng có tay nghề nêm nếm. Anh mạnh dạn đảm nhiệm vai trò “bếp chính”. Anh Hiệp chia sẻ: “Lần đầu tiên tham gia với nhóm, tôi cũng hồi hộp, lo mình nêm không ngon, không vừa miệng người bệnh. Nhưng đến bây giờ, tôi nấu đã quen tay, người ăn cũng quen với vị nêm nếm của tôi. Mỗi lần có việc bận không tham gia được, người khác nêm thay tôi là người bệnh nhận ra ngay vị khác lạ. Nấu ăn cho người bệnh không đơn giản, phải biết lắng nghe góp ý để giảm liều lượng gia vị sao cho người bệnh vừa được ăn ngon vừa không ảnh hưởng sức khỏe". Bà Lê Thị Ngoan, ở cách nhà chị Loan vài căn, năm nay đã 80 tuổi. Bà là người lớn tuổi nhất trong nhóm nhưng vẫn còn khoẻ và luôn sốt sắng đến phụ xắt rau củ, chuẩn bị nguyên vật liệu cùng mọi người. Bà Ngoan vốn là một thợ nấu ăn không chuyên. Trước giờ, bà hay nhận nấu đám không công cho nhiều người. Ðó như một niềm đam mê của bà. Khi đã không còn đủ sức nhận nấu đám, bà tham gia vào nhóm nấu ăn từ thiện của chị Loan. Bà cho biết: “Mỗi tuần, tôi luôn trông đến thứ sáu để qua đây phụ nấu cháo. Mọi người trong nhóm gặp nhau vừa làm vừa trò chuyện vui vẻ nên tôi không cảm thấy mệt nhọc mà còn thấy khỏe, tinh thần thoải mái hơn”. [caption id="attachment_3297" align="alignright" width="446"] anh Hiệp và chị Phương đang nấu cháo[/caption] Nấu cháo xong, nhiều người trong nhóm chia cháo ra thành nhiều phần để chuyển đến một số địa điểm như Bệnh viện Y học cổ truyền dân tộc, những người già ở Trí Giác cung, trại dưỡng lão Trường Tây (huyện Hòa Thành)… để kịp phát cho bệnh nhân. Chị Trần Thị Tuyết Phương (ngụ ấp Ninh Phước, phường Ninh Thạnh), một trong những thành viên lâu năm của nhóm, kể: “Bây giờ, chúng tôi chở cháo đi bằng xe gắn máy nên nhanh và thuận tiện hơn. Không chỉ lo việc phát thức ăn, một số thành viên trong nhóm còn phụ giúp vệ sinh cá nhân, giặt quần áo cho người bệnh neo đơn hay các cụ già ở trại dưỡng lão”. Hiện nay, số người tham gia với nhóm khá đông, chủ yếu là những người cùng địa phương, cũng có ít người từ những phường, xã khác. Niềm vui của nhóm là không chỉ giúp được cho người khác, mà còn nhận lại rất nhiều sự động viên. Có những người đã ăn cháo của chúng tôi, sau khi xuất viện quay lại tham gia đóng góp cho hoạt động từ thiện của nhóm”. Chi phí cho mỗi kỳ nấu cháo chỉ khoảng 500.000 đồng, hoàn toàn do những thành viên trong nhóm đóng góp. Mọi người còn làm nước giải khát để tặng kèm theo. Chị Phương chia sẻ: “Của cho không bằng cách cho. Chúng tôi thường bảo nhau phải chú ý thái độ khi phát cháo. Mọi người luôn vui vẻ để mang đến cho người bệnh những chén cháo ngon nhất có thể, giúp họ no lòng và mau khỏi bệnh. Ðó là phương châm giúp nhóm gắn kết bền chặt, duy trì được những nồi cháo nghĩa tình trong suốt nhiều năm qua”.

VI XUÂN - MỸ KIỀU (báo TNO)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây