GƯƠNG PHỤ NỮ “NGƯỜI NUÔI HEO ĐẤT TÌNH THƯƠNG” HỘI LHPN XÃ THẠNH TÂN

Chủ nhật - 22/05/2022 21:03 330 0

Câu chuyện nuôi “Heo đất tình thương” của chị Nguyễn Thị Kim Phượng (tên thường gọi là Bảy Sin, sinh năm 1979, ở ấp Thạnh Hiệp, xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh) đã không còn xa lạ với người dân trong xã.

Đến cửa hàng tạp hóa Bảy Sin, chúng tôi dễ dàng nhìn thấy chiếc tủ “Heo đất tình thương” nằm ngay mặt tiền của quán. Đó là chiếc tủ kính nhỏ có khóa, phía trên có một khe bỏ tiền, mặt trước có dán băng giấy có chữ “Heo đất tình thương” khá to. Phía bên trái của chiếc tủ còn được dán thêm một câu kêu gọi thú vị: “Đừng từ chối nếu bạn còn cái để cho”. Nhìn đơn giản là thế nhưng chiếc tủ này lại có ý nghĩa đối với những người khó khăn, người già neo đơn trong và ngoài ấp Thạnh Hiệp. Mỗi 2 tháng một lần, chiếc tủ này sẽ được mở ra, số tiền trong tủ dùng để giúp đở những người khó khăn. Mô hình từ thiện này được chị Phượng thực hiện từ tháng 4/2012, đến nay vừa trò 11 năm. Chị Phượng cho biết: “Ban đầu, chỉ muốn kêu gọi sự ủng hộ, đóng góp tình nguyện của những người đến đây mua hàng hóa nhằm tạo nguồn vốn đi làm từ thiện, giúp đỡ những người khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, càng về sau, mô hình càng nhận được nhiều sự đóng góp khiến tôi rất phấn khởi”.

Các thành viên trong mô hình nuôi “Heo đất tình thương”

Chị Phượng cho biết thêm, mô hình nuôi “Heo đất tình thương” của chị khởi sự bằng hai con heo đất to được treo trong quán, gây được sự chú ý của nhiều khách hàng. Sau đó, khi biết được ý nghĩa của những con heo đất này, rất nhiều người đã nhiệt tình ủng hộ và tự nguyện đóng góp. Thông thường, mọi người thường quyên góp những khoảng tiền lẻ được thối lại khi mua hàng, có khi vài ngàn, cũng có khi vài chục ngàn đồng, sau 2 tháng tích góp, lần khui heo đất đầu tiên, chị Phượng thu được 2.8 triệu đồng, đó là số tiền vượt quá sự mong đợi của chị. Có tiền, chị Phượng đem đi giúp đỡ 5 hộ khó khăn trong ấp, với số tiền 500 ngàn đồng / hộ. số tiền còn lại chị tích góp vào nguồn quỹ của Heo đất tình thương. Nhận thấy hiệu quả xã hội từ mô hình Heo đất của chị Phượng, nhiều người cũng muốn tham gia cùng. Một mạnh thường quân ở huyện Hòa Thành biết được việc làm của chị Phượng đã tìm đến, đã tặng cho chị chiếc tủ kính nhỏ để tiện cho bà con quyên góp. Thế là, chị Phượng cùng một số chị em có chung tâm niệm làm việc thiện tổ chức thành một Tổ nuôi Heo đất tình thương. Đến nay, Tổ đã có hơn 40 thành viên tham gia. Tổ cũng bầu ra chức vụ thủ quỹ để giữ chìa khóa và kiểm kê tiền vào mỗi lần khui heo. Mỗi tháng, mỗi thành viên sẽ tự nguyện đóng góp tùy theo điều kiện kinh tế gia đình. Trung bình, mỗi lần khui heo đất đều thu được 3 triệu đồng trở lên. Cho đến nay, chiếc tủ “Heo đất tình thương” đã trở nên quen thuộc với người dân trong ấp, thậm chí những người dân ở ngoài ấp, ngoài xã cũng biết mà đến đóng góp. Điển hình là bà Nguyễn Thị Nghiệm 73 tuổi ở ấp Thạnh Trung- xã Thạnh Tân. Mặc dù ở khá xa cửa hàng tạp hóa Bảy Sin nhưng bà Nghiệm vẫn tranh thủ những lúc rảnh rỗi kêu con cháu chở đi quyên góp tiền. Đều đặn, mỗi lần, bà Nghiệm quyên góp khoảng 20 ngàn đồng, đó chính là khoản tiền bà dành dụm từ số tiền con cháu cho để tiêu vặt trong tháng. Số tiền quyên góp tuy ít nhưng đã thể hiện được tấm lòng của bà Nghiệm dành cho những người kém may mắn trong cuộc sống này.

Mô hình nuôi “Heo đất tình thương” tổ chức gian hàng 0 đồng

Cứ thế, sau mỗi hai tháng, Tổ nuôi Heo đất tình thương của chị Phượng lại ra quân đi giúp người khó khăn một lần, có khi đó là những trường hợp người già neo đơn không nơi nương tựa, có khi lại là một trường hợp người bệnh thiếu tiền chạy chữa…Từ khi ra đời cho đến nay, mô hình “Heo đất tình thương” của chị Phượng đã giúp đỡ cho nhiều người gặp khó khăn. Tiệm tạp hóa Bảy Sin cũng trở thành địa chỉ nhân đạo từ mô hình này. Khi có người thông báo về một một cảnh khó khăn của một gia đình nào đó, Tổ nuôi heo đất tình thương đều sắp xếp đều sắp xếp thời gian đến thăm và giúp đỡ. Hiện tại, mô hình “Heo đất tình thương” đang trợ cấp cố định cho 3 cụ già neo đơn. Mỗi tháng, các cụ được cấp 250 ngàn đồng cùng 10 ký gạo và 10 gói mì. Trong lần khui heo đất mới đây, Tổ đã ra quân dựng căn nhà tạm cho ông Năm - một cụ già ở trên núi Heo. Ông Năm năm nay đã hơn 80 tuổi nhưng không có nhà cửa, người thân. Một mình ông sống lây lất trên núi Heo đã nhiều năm. Tuổi già khiến cho việc đi lại của ông trở nên khó khăn hơn. Một thành viên trong Tổ đã tự nguyện cho ông Năm mượn đất để dựng nhà ở tạm. Căn nhà được dựng từ cột xi măng, mái tôn và cây gỗ khá chắc chắn, chi phí dựng nhà khoảng 3 triệu đồng. Bằng tấm lòng của mình, Tổ nuôi heo đất tình thương đã mang đến cho ông Năm một món quà thiết thực, ý nghĩa ở tuổi về già.

Mô hình nuôi “Heo đất tình thương” trao quà cho phụ nữ khó khăn

Nhìn lại khoảng thời gian 11 năm thực hiện mô hình nuôi heo đất tình thương, chị Phượng cảm thấy hạnh phúc vì mô hình của mình đã được nhìn người biết đến và ủng hộ. Chị Phượng hy vọng, trong thời gian tới, mô hình sẽ được nhiều người biết đến và đóng góp nhiều hơn nữa. Có như vậy, Tổ nuôi Heo đất tình thương mới có thể giúp được nhiều người khó khăn hơn.

Đánh giá về mô hình này, chị Trần Thị Tuyết Hồng- Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thạnh Tân cho biết: Trong thời gian qua, Hội LHPN xã đã phát động phong trào nuôi heo đất tình thương ở 4 chi hội Phụ nữ ấp và BCH Hội Phụ nữ xã để gây quỹ trao học bổng Trần Thị Sanh cho nữ học sinh nghèo trên địa bàn xã. Riêng mô hình “Nuôi heo đất tình thương” của chị Phượng là cách làm tự phát nhưng cũng đã mang lại hiệu ứng xã hội tốt, rất xứng đáng để ghi nhận, tuyên dương.

                                                         Trần Thị Tuyết Hồng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây