Chương III
Nguyên tắc tổ chức, hoạt động và hệ thống tổ chức,
cơ quan lãnh đạo các cấp Hội
Điều 9. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, liên hiệp, thống nhất hành động.
Cơ quan lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp do bầu cử lập ra, tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ.
Điều 10. Hệ thống tổ chức và cơ quan chuyên trách các cấp Hội
- Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam gồm 4 cấp:
- Trung ương;
- Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tương đương (gọi chung là cấp tỉnh);
- Huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và tương đương (gọi chung là cấp huyện);
- Xã, phường, thị trấn và tương đương (gọi chung là cấp cơ sở).
- Cơ quan chuyên trách Hội cấp Trung ương, tỉnh, huyện là cơ quan tham mưu giúp việc cho Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch hoặc Ban Thường vụ cùng cấp.
Điều 11. Cơ quan lãnh đạo các cấp Hội
- Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hội là Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc.
- Cơ quan lãnh đạo ở mỗi cấp là Đại hội đại biểu hoặc Đại hội toàn thể hội viên của cấp đó.
- Giữa hai kỳ đại hội, cơ quan lãnh đạo mỗi cấp Hội là Ban Chấp hành cùng cấp.
- Giữa hai kỳ họp Ban Chấp hành, cơ quan lãnh đạo là Đoàn Chủ tịch hoặc Ban Thường vụ cùng cấp.
Điều 12. Đại hội đại biểu phụ nữ các cấp
- Đại hội các cấp được tổ chức năm năm một lần. Trường hợp đặc biệt do Hội cấp trên trực tiếp xem xét, quyết định theo quy định.
- Đại hội chỉ hợp lệ khi có ít nhất 2/3 số đại biểu được triệu tập tham dự.
- Thành phần, số lượng đại biểu đại hội cấp nào do Ban Chấp hành cấp đó quyết định và triệu tập. Thành phần đại biểu chính thức của đại hội mỗi cấp gồm:
- Uỷ viên Ban Chấp hành đương nhiệm;
- Đại biểu do đại hội cấp dưới trực tiếp bầu hoặc từ chi hội (đối với đại hội cấp cơ sở);
- Đại biểu chỉ định: số lượng không quá 10% tổng số đại biểu do Ban Chấp hành cấp triệu tập quyết định.
- Nhiệm vụ của Đại hội cấp cơ sở, cấp huyện và cấp tỉnh:
- Đánh giá phong trào phụ nữ; kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết đại hội; quyết định phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ tới;
- Thảo luận dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu Phụ nữ cấp trên trực tiếp và dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc;
- Quyết định số lượng, cơ cấu, nhân sự và bầu Ban Chấp hành đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định;
- Bầu đại biểu dự đại hội cấp trên trực tiếp.
- Nhiệm vụ của Đại hội toàn quốc:
- Đánh giá phong trào phụ nữ; kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết đại hội; thảo luận, quyết định phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ tới;
- Quyết định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội;
- Quyết định số lượng, cơ cấu, nhân sự và bầu Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định.
Điều 13. Bầu Đoàn Chủ tịch hoặc Ban Thường vụ, Chủ tịch và Phó Chủ tịch các cấp Hội
- Đoàn Chủ tịch hoặc Ban Thường vụ, Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội cấp nào do Ban Chấp hành cấp đó bầu ra đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định.
- Đoàn Chủ tịch hoặc Ban Thường vụ được bầu trong số ủy viên Ban Chấp hành cấp đó. Số lượng, cơ cấu, thành phần Đoàn Chủ tịch hoặc Ban Thường vụ cấp nào do Ban Chấp hành cấp đó quyết định. Số lượng uỷ viên Đoàn Chủ tịch không quá 1/5, uỷ viên Ban Thường vụ không quá 1/3 tổng số uỷ viên Ban Chấp hành cùng cấp.
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch được bầu trong số uỷ viên Đoàn Chủ tịch hoặc Ban Thường vụ.
- Hội nghị Ban Chấp hành chỉ hợp lệ khi có ít nhất 2/3 số đại biểu được triệu tập tham dự.
Điều 14. Bầu bổ sung Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch hoặc Ban Thường vụ và Chủ tịch, Phó Chủ tịch các cấp Hội
- Ban Chấp hành được quyền bầu bổ sung ủy viên Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch hoặc Ban Thường vụ, Chủ tịch và Phó Chủ tịch khi chưa đủ số lượng đã được quyết định tại Đại hội.
- Uỷ viên Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch hoặc Ban Thường vụ, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch của Hội các cấp đã nghỉ hưu hoặc thay đổi công tác mà không thuộc thành phần cơ cấu đượcthôi tham gia Ban Chấp hành.
- Khi cần thiết, Ban Chấp hành các cấp được quyền bầu bổ sung thêm uỷ viên Ban Chấp hành ngoài số lượng đại hội đã quyết định (cấp Trung ương không quá 5%, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp cơ sở không quá 10%).
Điều 15. Hình thức bầu cử và điều kiện trúng cử
- Hình thức bầu cử: biểu quyết giơ tay hoặc bỏ phiếu kín. Chọn hình thức nào do đại hội hoặc hội nghị Ban Chấp hành cùng cấp quyết định.
- Người trúng cử phải được trên 50% số đại biểu được triệu tập bầu, tính theo tỷ lệ phiếu bầu từ cao xuống thấp.
Điều 16. Chỉ định ủy viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội các cấp
- Khi có thay đổi về địa giới hành chính hoặc khi có sự sắp xếp lại về tổ chức bộ máy, Hội cấp trên trực tiếp được quyền chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch của Hội cấp dưới theo quy định.
- Nhiệm kỳ của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Chủ tịch và Phó Chủ tịch được chỉ định không nhất thiết đủ năm năm.
Điều 17. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch Trung ươngHội
- Ban Chấp hành Trung ương Hội có nhiệm vụ và quyền hạn:
- Ban hành Nghị quyết, Quyết định, chương trình, kế hoạch của Hội nhằm vận động phụ nữ thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc;
- Lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và kiểm tra việc chấp hành Nghị quyết, Điều lệ Hội;
- Đại diện tham gia xây dựng, phản biện xã hội và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến phụ nữ, gia đình, trẻ em và bình đẳng giới; tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước về công tác phụ nữ;
- Đại diện cho Hội Liên hiệp Phụ nữ, các tầng lớp phụ nữ Việt Nam trong hệ thống chính trị, trong quan hệ với các tổ chức khác trong nước và quốc tế;
đ. Bầu Đoàn Chủ tịch trong số ủy viên Ban Chấp hành, bầu Chủ tịch và các Phó Chủ tịch trong số các ủy viên Đoàn Chủ tịch;
- Ban Chấp hành họp mỗi năm một lần, khi cần có thể họp bất thường.
- Đoàn Chủ tịch có nhiệm vụ và quyền hạn:
- Chỉ đạo tổ chức thực hiện, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Hội; triệu tập và chuẩn bị nội dung hội nghị Ban Chấp hành.
- Quyết định thành lập, sáp nhập, chia tách, giải thể tổ chức Hội cấp dưới trực tiếp và một số vấn đề thuộc tổ chức Hội theo quy định.
- Đoàn Chủ tịch họp sáu tháng một lần, khi cần có thể họp bất thường.
- Thường trực Đoàn Chủ tịch (gồm Chủ tịch và các Phó Chủ tịch) có nhiệm vụ và quyền hạn:
- Thay mặt Đoàn Chủ tịch điều hành công việc giữa hai kỳ họp Đoàn Chủ tịch và xử lý công việc hàng ngày của cơ quan Trung ương Hội;
- Chuẩn bị các nội dung hội nghị Đoàn Chủ tịch;
- Lãnh đạo, quản lý toàn diện cơ quan chuyên trách Trung ương Hội; quyết định thành lập, giải thể các ban hoặc đơn vị chuyên môn, tổ công tác, hội đồng tư vấn của cơ quan Trung ương Hội theo quy định; được sử dụng con dấu của Ban Chấp hành trong điều hành hoạt động của cơ quan Trung ương Hội.
Điều 18. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp tỉnh, cấp huyện
- Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp tỉnh, cấp huyện có nhiệm vụ và quyền hạn:
- Ban hành Nghị quyết, chương trình, kế hoạch nhằm vận động phụ nữ thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ cùng cấp và cấp trên;
b.Lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và kiểm tra việc chấp hành Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ cùng cấp và cấp trên;
- Đại diện cho tổ chức Hội và phụ nữ địa phương tham gia xây dựng, phản biện xã hội và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến phụ nữ, gia đình, trẻ em và bình đẳng giới; tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác phụ nữ;
- Bầu Ban Thường vụ trong số ủy viên Ban Chấp hành cùng cấp; bầu Chủ tịch và Phó Chủ tịch trong số ủy viên Ban Thường vụ cùng cấp;
đ. Ban Chấp hành họp sáu tháng một lần, khi cần có thể họp bất thường.
- Ban Thường vụ có nhiệm vụ và quyền hạn:
- Chỉ đạo tổ chức thực hiện, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Hội cấp trên và cùng cấp; triệu tập và chuẩn bị nội dung hội nghị Ban Chấp hành;
- Quyết định thành lập, sáp nhập, chia tách, giải thể tổ chức Hội cấp dưới trực tiếp và một số vấn đề thuộc tổ chức Hội cùng cấp theo quy định;
- Ban Thường vụ họp ba tháng một lần, khi cần có thể họp bất thường.
- Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp tỉnh, cấp huyện (gồm Chủ tịch và các Phó Chủ tịch) có nhiệm vụ:
- Thay mặt Ban Thường vụ điều hành công việc giữa hai kỳ họp Ban Thường vụ; xử lý các công việc hàng ngày của cơ quan chuyên trách Hội cùng cấp;
- Chuẩn bị các nội dung họp Ban Thường vụ;
- Lãnh đạo, quản lý cơ quan chuyên trách Hội cấp mình; quyết định thành lập, giải thể các ban, đơn vị chuyên môn, tổ công tác, hội đồng tư vấn thuộc cơ quan chuyên trách Hội cùng cấp theo quy định; được sử dụng con dấu Ban Chấp hành trong điều hành hoạt động cơ quan chuyên trách cùng cấp.
Trích điều lệ Hội LHPN Việt Nam